Lượt xem: 302

Hiệu quả thiết thực từ việc hỗ trợ cán bộ trẻ về làm việc tại các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Sự ra đời của các tổ hợp tác, hợp tác xã hiện nay là tất yếu khách quan vì nhu cầu cuộc sống và sản xuất của người nông dân. Tuy nhiên, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề và kinh nghiệm quản lý khiến cho nhiều hợp tác xã không thể duy trì tốt hoạt động kinh doanh. Trước tình trạng này, việc thực hiện mô hình thí điểm đưa cán bộ trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các hợp tác xã được xem là giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

 


Thành viên của mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã. (Ảnh chụp trước tháng 4/2021) 

 

    Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 202 hợp tác xã nông nghiệp với hơn 10.000 thành viên. Các thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với nhau cùng hỗ trợ nhau áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đoàn kết xây dựng cánh đồng lớn sản xuất tập trung, sản xuất và sử dụng giống xác nhận, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch nhằm giảm chi phí đầu tư, tránh được rủi ro, tăng năng suất, sản phẩm đạt chất lượng, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho thành viên giúp thành viên bán được giá cao tăng thu nhập so với người dân bên ngoài hợp tác xã/tổ hợp tác. Đây là động lực thu hút người dân tham gia làm ăn hợp tác ngày một tăng thêm. Tuy nhiên, thách thức lớn mà hầu hết các hợp tác xã phải đối mặt là đa số các hợp tác xã đều thiếu nguồn nhân lực trẻ cùng tham gia vận hành bộ máy, tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại.

    Nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 1231/QĐ-BNN-KTHT ngày 09/4/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở Hợp tác xã. Từ đó, nhằm đổi mới toàn diện về nội dung và hình thức hợp tác, đạt được sự chuyển biến rõ nét về chất lượng của mô hình hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo định hướng của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh, thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới; xây dựng được mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả gắn sản xuất với tiêu thụ trong các chuỗi giá trị nông sản và có khả năng nhân rộng trong các lĩnh vực: Lúa gạo, trái cây, thủy sản trên địa bàn tỉnh và tham gia liên kết vùng. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 3107/QĐ-UBND, ngày 09/12/2017 về việc phê duyệt danh sách hợp tác xã nông nghiệp thực hiện thí điểm đưa cán bộ trẻ về làm việc có thời hạn tại các hợp tác xã được chọn thực hiện mô hình thí điểm theo Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, toàn tỉnh có 15 hợp tác xã được hỗ trợ cán bộ trẻ với số lượng cán bộ được phê duyệt là 41 người. Đến thời điểm này, có 12 hợp tác xã với 22 cán bộ trẻ về làm việc, các hợp tác xã còn lại vẫn đang trong quá trình tuyển chọn nhân sự.

    Hợp tác xã thủy sản Hưng Phú thuộc xã An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung được thành lập vào năm 2015. Hoạt động chủ yếu của Hợp tác xã là liên kết người nuôi tôm tại địa phương hình thành chuỗi cung ứng vật tư đầu vào và hợp đồng tiêu thụ trong quá trình sản xuất, giúp người nuôi giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Thành viên hợp tác xã chủ yếu là nông dân, chưa có nhiều am hiểu về lĩnh vực kinh doanh, số khác không thành thạo về vi tính nên quá trình hoạt động gặp không ít trở ngại trong việc kiểm tra sổ sách, hoạch toán tài chính... Nhờ được hỗ trợ 02 cán bộ trẻ về làm việc tại Hợp tác xã, việc theo dõi doanh thu, phân tích lợi nhuận đảm bảo minh bạch, chính xác hơn, tạo được lòng tin của các thành viên và nông dân khi tham gia liên kết. Ông Trần Quang Cần - Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phú, xã An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung cho biết: “Từ khi được hỗ trợ cán bộ trẻ về làm việc, hoạt động của Hợp tác xã thuận lợi hơn so với lúc trước. Các anh em được điều về hỗ trợ giúp hợp tác xã rất nhiều trong khâu quản lý sổ sách, đề xuất các ý kiến trong quá trình phát triển nghề nuôi tôm của các thành viên; hỗ trợ các thành viên đo đạc môi trường hay các yếu tố liên quan kỹ thuật trong quá trình phát triển nghề nuôi...”.

    Theo Thông tư 340/2016/TT-BTC, ngày 29/12/2016 của Bộ Tài chính về hướng dẫn mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực của hợp tác xã, thành lập mới hợp tác xã, tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã thì các cán bộ trẻ hoạt động tại hợp tác xã sẽ được hỗ trợ mức lương theo Ngân sách của Nhà nước, thời gian làm việc theo giờ hành chính là 8 tiếng/ngày. Theo khảo sát, ngoài chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các cán bộ trẻ còn được hợp tác xã ưu đãi thêm về nhiều chế độ phụ cấp khác như: Tiền làm ngoài giờ, tiền thưởng vào các dịp lễ, tết. Được sắp xếp công việc đúng chuyên môn và tiếp nhận nhiều ưu đãi là để điều kiện tốt để các bạn trẻ phát huy tốt nhiệm vụ được giao trong quá trình công tác. Anh Lữ Thành Lập – cán bộ trẻ hỗ trợ Hợp tác xã thủy sản Hưng Phú chia sẻ: “Tại Hợp tác xã thủy sản Hưng Phú tôi được giao công việc quản lý sổ sách, hỗ trợ các anh em trong khâu thu mua tôm. Bên cạnh chính sách hỗ trợ từ Nhà nước tôi còn được hợp tác xã hỗ trợ thêm các kinh phí khi đi công tác xa hay tham gia các buổi tập huấn. Tôi cũng cố gắng học hỏi thêm từ các anh em đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm để giúp Hợp tác xã ngày càng phát triển thêm”.

    Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao trình độ cán bộ quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác, trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho các cán bộ. Các hợp tác xã cũng tạo điều kiện để cán bộ trẻ được tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn. Trên thực tế, những cán bộ trẻ khi được tiếp nhận về làm việc đã phát huy tốt năng lực chuyên môn và sức trẻ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã. Chị Trương Thị Thu Trang – cán bộ trẻ hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp Phương An, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú cho biết thêm: “Như bản thân tôi phụ trách chuyên ngành kế toán, cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Hợp tác xã hỗ trợ cho tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về kế toán. Bên cạnh đó, được trau dồi thêm các kiến thức có liên quan lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể để có thể hỗ trợ cho Hợp tác xã được nhiều hơn”.

    Bên cạnh những thuận lợi, mô hình thí điểm đưa cán bộ trẻ về làm việc tại hợp tác xã vẫn tồn tại nhiều bất cập khi thời gian thực hiện thí điểm chỉ giới hạn trong 36 tháng. Điều này đặt ra áp lực cho nhiều cán bộ về vấn đề việc làm sau khi kết thúc thí điểm. Các hợp tác xã cũng sẽ gặp nhiều trở ngại khi phải nâng cao chất lượng hoạt động trong một thời gian ngắn. Thêm một khó khăn lớn được đặt ra là làm thế nào để đảm bảo chi trả được mức lương nếu muốn giữ chân các cán bộ tiếp tục ở lại làm việc cho hợp tác xã khi kết thúc thời gian quy định.  Đồng chí Thái Thanh Tân – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Với sự phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay thì viêc hình thành các mô hình phát triển kinh tế tập thể thông qua hợp tác xã/tổ hợp tác là rất cần thiết để có thể tập hợp nông dân tại địa phương làm ra sản phẩm hàng hóa lớn, ổn định và có chất lượng. Tuy nhiên,  nhìn chung hiện nay tình hình hoạt động tại một số Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cũng còn tồn tại rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy mà về lâu dài, Chi cục sẽ tiếp tục đề xuất cấp trên xem xét, hỗ trợ để tiếp tục duy trì mô hình đưa cán bộ trẻ về làm việc tại hợp tác xã. Quan trọng là kéo dài hơn thời gian hỗ trợ so với trước kia để hợp tác xã hoạt động được bền vững hơn; có những giải pháp cụ thể hơn để duy trì và phát triển, từ đó người nông dân mới tự tin hơn khi tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác; từng bước xóa dần tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ làm ảnh hưởng đến thành quả trong lao động sản xuất”.

    Có thể thấy, việc thực hiện mô hình thí điểm đưa cán bộ trẻ về làm việc có thời hạn tại các hợp tác xã sẽ đảm bảo được lợi ích cho cả hai phía. Hợp tác xã sẽ có được nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn để thực hiện tốt kế hoạch phát triển, kinh doanh. Các cán bộ trẻ có môi trường thuận lợi để phát huy trí tuệ và sức trẻ, có thêm kinh nghiệm cho công việc trong tương lai.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 36
  • Hôm nay: 228
  • Trong tuần: 70,655
  • Tất cả: 11,802,662